I. THẾ KỶ IV.
CHƯƠNG I
KITÔ GIÁO TRƯỚC KHI XẢY RA CUỘC BẮT ÐẠO LỚN
Ðã đến lúc chúng ta bước vào một giai đoạn quyết liệt của Lịch Sử Giáo Hội: trong vòng từ mười đến hai mươi năm, lịch sử này cho chúng ta chứng kiến hai biến động thê thảm: cuộc bắt đạo của Dioclétien (năm 303/304 và còn kế tiếp sau); đế quốc ngoại giáo tìm cách tiêu diệt một lần cuối cùng đạo Kitô bằng một sức tàn bạo chưa bao giờ thấy; việc Constantin tuần tự thăng chức (306-312-324), và sau cùng trở thành chủ ông duy nhất của Ðế quốc Roma, không mấy chốc gây được một thay đổi toàn diện về qui chế của Kitô giáo. Không còn bị bắt bớ nữa, đạo Kitô lúc này trở thành tôn giáo hợp pháp được ưu đãi, rồi không bao lâu đã thành một tôn giáo của Nhà Nước; từ trạng thái manh nha nằm giữa cơ thể xã hội như một vật thể ngoại lai không được chấp nhận, Kitô giáo trở thành một nguyên ủy hướng đạo, một tâm điểm hưng khởi đối với Ðế quốc đã đi vào đường lối Kitô do việc hoàng đế trở lại.
Lúc sắc lệnh bắt đạo thứ nhất, do Dioclétien và các vị đồng sự trong bộ tứ trụ ban hành được niêm yết tại hoàng cung ở Nicomédie, nằm trên bờ biển á đông Marmara, ngày 23 tháng 2 năm 303, một tên quá khích giật sắc lệnh xuống và xé đi. Dĩ nhiên cử chỉ này, chẳng những làm cho đương sự thiệt mạng, mà còn thúc đẩy nhà vua có một quyết định thật bất ngờ, mà hiệu quả thật ngạc nhiên và gây ra mối bất mãn.
Từ khi có những cuộc bắt đạo tuy gắt gao nhưng khá ngắn của Dèce (250-251) và của Valérien (257-260), Giáo hội Kitô trong thực tế không bị chính quyền gây khó dễ. Tình trạng pháp lý của đạo Kitô tuy không bao giờ được ấn định minh bạch (đạo kitô theo nguyên tắc vẫn là một đạo ít nhiều bị cấm đoán), nhưng trong thực tế, người ta thấy tôn giáo này vẫn được nhìn nhận: Các cộng đồng Kitô từ đây có thể xuất hiện công khai, có thể thản nhiên trở thành sở hữu chủ. Lúc này cộng đồng làm chủ các nghĩa trang (tại Roma từ đời giáo hoàng Calixte 217-222), nằm ngầm dưới đất hay lộ thiên (mộ động, areae), các nhà thờ hoặc các nhà dùng vào việc tế lễ và đọc kinh, bởi vì khó lòng nhận định ra lối kiến trúc. Ngay ở Nicomédie, một trong những ”nhà thờ” được dựng hẳn trước cửa hoàng cung. Số giáo dân tăng lên nhiều trước khi xảy ra cuộc bắt đạo, buộc phải xây cất những nhà thờ mới và rộng lớn hơn như lời làm chứng của Porphyre, người ngoại giáo và của Eusèbe thành Césarée, sử gia kitô.
I. NỀN HÒA BÌNH NHỎ BÉ CỦA GIÁO HỘI
Người ta có quyền nói rằng ”Giáo Hội hưởng thụ một nền hòa b́nh bé nhỏ” (the minor peace of the Church) (1). Nhờ đó, Kitô giáo tự do phát triển hoạt động truyền giáo và thực hiện được những bước tiến bộ lớn về cả chiều rộng lẫn chiều sâu: phát triển về địa lý, bén rễ vào xã hội.
Xuất phát từ Palestine nghĩa là từ một miền nằm gần biên giới phía đông của Ðế quốc Roma, công cuộc phúc âm hóa không bao lâu đã vượt qua ranh giới Palestine. Chính là về phía bên kia sông Euphrate mà đạo Kitô đã thu lượm được những thành quả vẻ vang: nước chư hầu bé nhỏ Edesse hay là Osroène là nước thứ nhất chính thức theo đạo Kitô, và điều đó xảy ra ngay từ lúc Abgar IX (179-216) vua của nước này trở lại đạo.
Dọc theo thế kỷ thứ ba, Kitô giáo đã lan tràn tới miền Adiabène nằm ở miền đông sông Tigre và đã ăn sâu vào miền Mésopotamie. Nhưng xứ Xêmít này, hiện nay là Irak, về chính trị thì thuộc Ðế quốc hùng vĩ Iran. Việc truyền giáo Kitô ở đấy đã vấp phải những khó khăn lớn, có khi đi đến việc bắt đạo công khai, kể từ lúc nhà Sassanide lên chấp chính (224), đế quốc rộng lớn này chấp nhận hình thức quốc giáo, lúc với đạo Mazdé, khi với đạo Zoroastre, và luôn coi Roma là một đối thủ, là sự thách thức, là một mô phạm. Bị nghi ngờ tiên thiên ngay từ lúc đầu như là xuất phát từ một đối phương truyền kiếp, đạo Kitô vấp phải mối băn khoăn nghi kỵ của quốc giáo này, của đạo đối lập, một thứ đạo phổ biến, cũng có tinh thần truyền giáo sôi động, đạo hùng tráng có hàng giáo sĩ tổ chức chặt chẽ dưới quyền bính của vị linh mục trên các linh mục là Mobadhan Mobath. Ông luôn yêu cầu Chính phủ can thiệp để thanh toán những tên ly giáo hay các cừu địch, bất kỳ là người phái Mazdé tà giáo, là phái Mani hay là kitô hữu.
Việc phát vãng các kitô hữu gốc Syrie sang tới tận Fars, trước kia gọi là Elam, nhân lúc đại vương Shrapuhr chiến thắng hoàng đế Valérien (260), đã giúp cho việc truyền bá phúc âm vào giữa lòng đế quốc Iran cách dễ dàng. Nhưng các khó khăn nói trên cho ta hiểu: tại sao vào cuối thế kỷ III, Giáo Hội Kitô của người Syrie Ðông phương này mới bước vào giai đọan đầu của việc tổ chức chung quanh tòa giám mục các ”thành phố hoàng phái”, tức hai thành phố sinh đôi Séleucie-Stésiphon, nằm giữa Babylone và Bagdad; và tại sao các giáo dân Syrie này còn phải hướng lâu dài về phía Tây phương, và nương tựa vào những Giáo Hội nằm trong đế quốc Roma về phương diện tín lý, giáo luật và tinh thần đạo đức.
Cứ theo địa lý thì Kitô giáo thoạt tiên là một hiện tượng của miền Ðịa Trung Hải. Vào khoảng năm 300, đạo Kitô đã bao trùm hết Ðế quốc cho tới những tỉnh xa xôi nhất. Ðến dự công đồng Arles năm 314, có ba vị giám mục miền Anh quốc, trong số đó có giám mục Luân-đôn và York. Nhưng hiện tượng ăn rễ chưa có mật độ đồng đều ở khắp các nơi: Hệ thống tổ chức các Giáo Hội xem ra còn thiếu sót nhiều tại miền tây la-tinh trong thế giới Roma. Chẳng hạn như ở miền Tây Ban Nha, công đồng Elvire (Grenade) triệu tập vào các năm xảy ra cuộc bách hại lớn (hoặc năm 300, hoặc năm 309) cho chúng ta biết có ba mươi ba giáo hội: mười chín Giáo Hội có giám mục đại diện, mười bốn chỉ có một linh mục thường (hoặc đại diện cho giám mục vắng mặt, hoặc vì các Giáo Hội này chưa được tổ chức hoàn bị). Nhưng nhìn lên bản đồ thì thấy hầu hết các Giáo Hội ấy tập trung cả vào cùng một miền, nói chung, là Andalousie bây giờ. Chỉ có năm vị đại diện cho các miền khác trên bán đảo i-bê-ric. Có thể nói tương tự như thế về miền Gaule, thế mà việc truyền giáo đã bắt đầu xuất hiện tại đây vào cùng một thời kỳ, có lẽ muộn hơn một chút. Tại công đồng Arles, chúng ta thấy có mười sáu Giáo Hội tại Gaule góp mặt, mà mười hai Giáo Hội có giám mục đại diện, nhưng một nửa quây quần tại miền Ðông-Nam, miền Provence ngày nay. Còn tại các miền khác thuộc nước Gaule, trong những thành phố quan trọng hơn cả, xem ra chỉ mấy nơi có cộng đồng Kitô phát triển hoàn bị. Miền thượng nước Ý cũng vậy. Chỉ có trong bán đảo Ý, nói chung là từ Ravenne đến Naples, và tại châu Phi, nói theo kiểu Roma, nghĩa là miền Ðông-Bắc Magrheb, là các cộng đồng Kitô xem ra đông đảo. Từ năm 250 đến 251, một hội đồng Roma tụ họp được sáu mươi giám mục Ý chung quanh đức giáo hoàng Corneille; khoảng cùng thời kỳ này (256-257), một cộng đồng khác triệu tập được chung quanh thánh Cyprien, giám mục Carthage, bốn mươi bảy giám mục của châu Phi.
Nhìn chung, Kitô giáo còn chiêu nạp được nhiều tín hữu hơn cả tại các tỉnh phương Ðông, từ miền Cyrénaique đến miền Balkans, là nơi tiếng Hylạp còn dùng như ngôn ngữ văn hóa: một trong những trung ương mạnh mẽ nhất là Aicập, được đôn đốc mãnh liệt bởi giáo tỉnh Alexandrie, thành phố lớn nhất của Ðế quốc sau Roma, và quyền bính mãnh liệt của nó khuất phục biết bao nhiêu giáo hội nhỏ nằm chạy hàng dài trong miền đồng bằng, từ Trung châu cho đến miền Thébaide; hơn cả Palestine, chính Syrie mới thật quan trọng, với kinh đô Antioche; nhờ tầm quan trọng (đây là thành phố thứ ba của Ðế quốc) và vị trí trung độ ở chính ngay trung tâm phương Ðông. Thành phố này đã đóng một địa vị bậc nhất trong lịch sử và đời sống kitô, và điều đó bắt đầu từ đời thánh Phaolô. Sau cùng với miền Tiểu-Á là miền, vào thời kỳ chúng ta đây, là một pháo đài của Kitô giáo, một xứ rất Kitô, là miền mà nhân số tín hữu xem ra đông tuyệt đối (miền ven bờ bể Egée, miền Asia chính cống theo thuật ngữ cai trị, là miền thịnh đạt và đông đúc dân số nhất trong thế giới Roma dưới thời Ðệ nhất Ðế chế) và theo tỉ lệ: hình như và hầu chắc là chỉ có ở miền này, trừ mấy quận của Aicập ra, mới thấy đa số dân cư, mà trong đó, một số thôn nhỏ đã hoàn toàn trở lại Kitô giáo.
Cũng có những tiến bộ rất đáng kể về phương diện xã hội. Ðức tin mới đã ăn rễ dần dần vào các tầng lớp khác nhau của dân cư Roma. Ðạo này không còn bị hệ thống rất mực quí tộc trong xã hội hoàng quyền coi như đạo riêng và chủ yếu của các cấp bị khinh dể hay thua kém: thiếu niên, phụ nữ, nô tì, người nghèo. Người ta còn nhớ đến những lời diễu cợt của Celse, khoảng năm 177-180, nói lên để phản đối tôn giáo của những người chải len, vá giầy, thợ giặt. Sự việc đã thay đổi: khoảng năm 270 Porphyre nói đến các phụ nữ quí phái và giàu có, muốn tuân phục lời kêu gọi tiến lên bậc toàn thiện phúc âm, đã dâng cúng tất cả tài sản cho Giáo Hội hoặc cho người nghèo. Năm 303, cuộc bách hại sẽ cho thấy Kitô giáo đã xâm nhập vào giới chính quyền, các quan tòa, các tỉnh trưởng, vào hoàng cung (nhiều công chức cao cấp trong triều đình, những vị nội thần như Dorothée, Gorgonius thuộc vào những vị tử đạo đầu tiên) nếu chưa phải là chính ngay trong hoàng tộc (có dư luận là vợ và con gái của Dioclétien tức Prisca, Valeria, đã chịu ít nhiều ảnh hưởng kitô giáo).
Dĩ nhiên về phương diện thiêng liêng, không phải hết mọi cái trong bước tiến bộ này đều mỹ mãn: Cả trong khi được hưởng thái bình, Giáo Hội đã mất phương sách lựa chọn là việc tử đạo; đã giảm chất lượng các vụ tòng giáo, ấy là nói tới số đông; đã thấy có những dấu xâm nhập từ nền ngoại giáo chung quanh, những vụ lây nhiễm, những chuyện giàn xấp. Các qui tắc kỷ luật được công đồng Elvire chấp thuận là những bằng chứng lý thú về miền Tây Ban Nha: chúng ta không còn ở vào thời kỳ sốt sắng ban đầu của Giáo hội các thánh nữa. Ðã đến lúc phải ấn định một tiêu chuẩn cho việc đền tội để bài trừ nạn đa thê, việc phá thai, tội ngoại tình (năm năm đền tội: đây là còn ít nếu người ta nghĩ đến những vụ tai tiếng gây ra do sự khoan dung của giáo hoàng Calixte là người đã chấp nhận hòa giải loại tội nhân này mà không đợi đến giờ nguy tử) để căn dặn các tín hữu phải dè chừng đối với các điều dị đoan nguồn gốc ngoại giáo, những trò chơi ăn tiền, việc cho vay nặng lãi. Nhất là việc giáo dân và người ngoại đạo trà lộn với nhau, không còn phân biệt được trong lối xử sự thường ngày của họ nữa. Phải nhắc đến luật cấm kết bạn giữa người khác đạo, phải buộc tội những phụ nữ kitô cho người láng diềng ngoại giáo mượn áo quần và đồ trang sức để họ đánh bộ đi dự lễ kính các thần. Còn điều này tệ hơn nữa: mười năm đền tội cho những người lên đền Capitole tham dự việc cúng tế.
Quan trọng nhất là trường hợp các quan tòa: đây là những chức phận và những nhiệm vụ tế tự của thành phố. Việc tế tự đã trở thành bó buộc và phải tốn kém rất nhiều đối với những ai có tài sản cần thiết (điều này cũng bắt đầu áp dụng vào một số trường hợp quân dịch. Bởi vậy đã nảy ra những thắc mắc về lương tâm, chẳng hạn như trường hợp con của các cựu chiến binh). Thế mà thực thi những chức phận này đương nhiên đòi phải tham gia vào việc cúng tế ngoại giáo, vào các trò tiêu khiển, là những cái được coi như có tính cách tôn giáo và hơn nữa xem ra rất chướng đối với các kitô hữu. Chúng ta nhận thấy trong thực tế, cả một loạt giải pháp cụ thể đã được đề cập hay trù liệu. Với sự thông đồng của các cấp trên, quan tòa kitô có thể hoàn toàn và đơn phương phớt tỉnh các việc cúng tế, hoặc bỏ tiền ra thuê mượn người khác làm thế cho mình (chẳng hạn làm một số việc công ích thay thế việc đua vật, và có khi cả trong việc đua xe nữa), hoặc làm như mọi người và trong thực tế xử sự y như những người ngoại giáo.
Căm go biết bao trong ngày lại xảy ra vụ bách hại. Chỉ hiểu được cuộc bắt đạo này, với mức độ độc ác theo từng cơn và tính bất thường của nó, khi đặt vấn đề kitô vào khung cảnh tổng quát về những biến chuyển chính trị và tôn giáo trên khắp thế giới Roma.
II. ÐỆ NHỊ ÐẾ CHẾ : CHÍNH PHỦ ÐỘC TÀI VÀ QUAN NIỆM MỚI VỀ TÔN GIÁO.
Vào thế kỷ thứ III, Ðế quốc đã trải qua một cơn bão táp kinh hồn và như suýt bị sụp đổ (235-285): khủng hoảng bên ngoài đưa tới, - cạnh tranh từ nhà Sassanide, áp lực của những cuộc xâm lăng Germanique trên biên giới hai sông Rhin và Danube; khủng hoảng trong nội bộ: tính cách bấp bênh của quyền hành, nội chiến, khủng hoảng kinh tế, hoạn loạn. ”Các hoàng đế của thế kỷ IV và vị hoàng đế đầu tiên là Dioclétien... đã tận lực cứu vãn Ðế quốc Roma và họ đã thành công. Ðể đạt tới kết quả, họ đã dùng, với những ý hướng cao thượng nhất, mọi phương tiện họ có trong tầm tay, đó là cưỡng bức và võ lực. Họ không hề tự đặt ra câu hỏi: có ích chi trong việc cứu vãn đế quốc Roma nếu phải biến Ðế quốc thành một nhà giam khổng lồ cho hằng mấy triệu người (2)”. Ðây là một sử gia có tinh thần khoáng đạt đã diễn tả như thế và lối phán đoán của ông có phần khe khắt. Trái lại, cần phải nhấn mạnh đến cái hiệu lực phi thường của giải pháp miễn cưỡng mà cuộc cách mệnh của Dioclétien đã áp dụng. Không nên quên rằng cái mà chúng ta gọi là Ðệ nhị Ðế chế Roma hay là thời kỳ cuối của thời Cổ đại (Spatantike) trùng hợp với thời kỳ thứ nhất byzance (Fruhbyzantinisches); chế độ do Dioclétien khai mào đã tiếp nối bằng một cuộc biến đổi liên tục và thuần nhất cho đến khi người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đoạt Constantinople năm 1453.
Thực ra, muốn thắng những mối hiểm họa đang bao vây tư bề, thế giới Roma đã phải tự ép mình vào một kỷ luật rất mực nghiêm khắc: Ðế quốc mới đối với chúng ta là một chính phủ độc tài thật theo nghĩa mới nhất. Khốn thay, nó tìm cách chế ngự tất cả các năng lực của công dân theo lối thu hút và đồng nhất hóa. Quyền bính hữu ý chuyên chế của nhà vua tác động qua môi giới của một guồng máy chính trị đã đẳng cấp hóa rất tài tình. Cái chế độ quan liêu lấn át này, những tổn phí binh bị càng ngày gia tăng. Do đó, chế độ thuế má mỗi ngày thêm nặng nề, áp bức, gần như đè nén, kéo theo một nền kinh tế quy định chặt chẽ, chẳng bao lâu trở thành thái quá. Cũng như bất cứ chế độ độc tài nào khác, Ðệ nhị Ðế chế là một Chính phủ cảnh binh dọa nạt mọi người một cách trái lý: không cần phải bị tố cáo là có óc mưu phản, chỉ nguyên một việc không chịu đóng thuế sòng phẳng cũng đủ để bị trừng trị: nhà giam, tra tấn, giết chết với những khổ hình rùng rợn. Sau cùng, vì lý tưởng mới đề cao đặc biệt những thiên tài lỗi lạc của vị thủ lãnh: bất cứ cái gì ”có tính cách thượng giới cũng thuộc về hoàng đế”, là siêu nhân đứng trên mọi người. Bắt đầu từ đời Auguste trở đi, bao giờ cũng có một thành lực tôn giáo trong hệ thống hoàng quyền. Với chế độ mới này đặc tính ấy lại càng rõ rệt hơn nữa, nhất là nó đã thay đổi bản tính.
Biến thể về cơ cấu chính trị nói đây thực ra đã thể hiện trong một bầu không khí tôn giáo hoàn toàn đổi mới: Vào cuối thế kỷ III, đã diễn ra một cuộc cách mệnh khác, và lần này là trên bình diện thiêng liêng. Thế giới cổ đại đã bước sang một cái mà, cùng với Spengler (3), người ta có thể gọi là tôn giáo tính thứ hai hay tân tôn giáo tính mới. Nghĩa là một giai đoạn trong đó, sau khi xẩy ra phong trào vô tín ngưỡng, ít ra là tương đối và sự phai nhạt tinh thần tôn giáo, là nét đặc trưng của thời kỳ Hylạp hóa (và vào giai đoạn đầu của Ðệ nhất Ðế chế), con người miền Ðịa Trung Hải lại tìm thấy ý nghĩa sâu xa của sự Linh thiêng, một thứ Linh thiêng trở nên yếu tố nòng cốt chi phối quan niệm của con người về vũ trụ và về cuộc sống. Nhưng, so sánh với tôn giáo tính thứ nhất, là tôn giáo tính của thuyết đa thần cũ đã ăn rễ sâu trong đáy lòng người Ấn-Âu, thì tôn giáo tính thứ hai này thật là ”mới mẻ” với những đặc tính kỳ lạ của nó.
Nền ngoại giáo cổ điển diễn đạt ý tưởng về linh thiêng với ý niệm Thiên Chúa, đứng trung lập. Trong giai đoạn mới này, tâm thức tôn giáo bị xâm nhập bởi tư tưởng về Thiên Chúa như đấng Tuyệt đối, như vị Siêu việt có cá thể như nguyên ủy và cứu cánh của hết mọi sự, như đối tượng của phụng sự và tình yêu. Khỏi cần nhắc lại, đây là những ảnh hưởng phương Ðông, Sémitique và nhất là Do Thái giáo rồi đến Kitô giáo. Những ảnh hưởng này đã đưa đẩy tâm thức tôn giáo mới đến chỗ thắng lợi. Nhưng nếu Kitô giáo nhập cuộc và tiến bộ đồng nhịp một cách thản nhiên với lịch sử của tâm trạng tôn giáo nói trên, vào khoảng năm 300, vẫn chưa vị tất và chưa hẳn là Kitô giáo đã định hướng và thu dụng được phần đóng góp của tâm trạng ấy.
Lý tưởng mới này về tôn giáo còn biểu hiện ra dưới nhiều hình thức cạnh tranh khác, nơi những tôn giáo phương Ðông còn nhan nhản trong khắp xã hội Roma, như đạo Mithra phối hợp những yếu tố gốc Iran và Mésopotanie. Khoa khảo cổ đã khám phá ra tại khắp nơi trên thế giới Roma rất nhiều đền nhỏ nằm ngầm dưới đất (mười tám đền trong các cuộc phát quật ở Ostia) dùng làm nơi để chi hội các người theo đạo đến hội họp, đa số các người này thuộc giới quân nhân. Các thuyết đa thần cổ truyền là thứ đạo qua nhiều thế kỷ, trong thực tế đã đánh mất nội dung uyên nguyên của chúng. Lúc này, các đạo ấy lại gặp được một sức sống mới, vì chúng được giải thích phù hợp với cái tâm trạng đang trào lên: Người ta lần lượt nhận thấy có sự đồng hóa vì giữa các thần có những tương tự (Athéna cũng là Hécate dưới âm phủ, thần Mặt Trăng, nữ hoàng trên trời, thần Minerve hay cả đến thần Céres của người La-tinh, thần Isis của người Aicập...) hay có một lối phẩm trật hóa theo kiểu lệ thuộc (Mặt trời như thần vô hình, là trung gian giữa loài người và Thiên Chúa tối thượng và là hình ảnh hữu hình của Ngài).
Phải đặt ý thức hệ của hoàng quyền Ðệ nhị Ðế chế vào chính bối cảnh tôn giáo này. Lịch sử tôn giáo đối chiếu làm chứng như thế: tính cách linh thiêng của đế vương được công nhận hầu như khắp nơi, có liên hệ trực tiếp với cái ý tưởng nhiều ít cao thượng mà người ta thường gán cho thần tính. Ðể biến ông vua, người có xương thịt, thành một ”vị thần”, không cần phải có ý niệm cao thượng lắm về thần tính. Việc phát triển lối cúng tế hoàng đế trong những chế độ quân chủ Hylạp rồi trong Ðệ nhất Ðế chế Roma xem ra làm giảm mất sự phân biệt tinh vi giữa nhân tính và thần tính mà trước kia người ngoại giáo vốn có. Bầu không khí đã khác hẳn vào thế kỷ thứ IV: những đặc tính tôn giáo gán ghép cho hoàng đế càng tuyệt đối siêu việt, càng tâng nhắc ông lên trên cộng đồng nhân loại như Thiên Chúa mà ông phản chiếu. Người ta sẽ nhận ra điều ấy, kể từ Constantin và nhất là từ các con của ông, lúc hoàng đế và Ðế quốc cùng với ngài trở lại Kitô giáo: con người của các ông, quyền thế của các ông không vì đấy mà giảm phần linh thiêng, nhưng đặc tính này lại còn đặm đà hơn nhiều trong thời kỳ những vị hoàng đế ngoại giáo Roma, cho dù các ông này có mang tên là Caligula, Domitien hay Commode đi nữa. Trước kia các hoàng đế ngoại giáo Roma đã tự coi mình như ”thần thánh”, nhưng chỉ đồng hóa với những vị thần nhỏ tại đền đa thần Panthéon; bây giờ, hoàng đế kitô, tuy vẫn là người, lại phản chiếu uy quyền đáng sợ hãi như Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Giacóp.
Nhưng trong lúc này ngoại giáo vẫn còn là tôn giáo chính thức của Ðế quốc. Dầu có vẻ cách mệnh về nhiều phương diện khác, nhưng về quan điểm tôn giáo thì Dioclétien vẫn còn là một người Roma như trước, lưu luyến nhiều với tôn giáo cổ truyền: bằng lời lẽ và những hình thức vay mượn trong tâm trạng cũ, ông sẽ diễn tả lý tưởng về quyền bá chủ để những tâm trạng mới có thể lĩnh hội được. Những hoàng đế rất thánh, rất linh thiêng, bản thân của Dioclétien, vị nhiếp chính hay cánh tay phải của ông là Auguste Maximien mà ông liên kết năm 285-286, hai vị Césars phó hoàng đế và là những vị thừa kế tương lai, cũng là những vị đại diện cho hoàng đế từ năm 293, là những người đã nhận hoàng quyền từ Thiên Chúa tuyệt đối, đấng Tối cao, Jupiter Exsuperantissimus (từ trước là cổ truyền, trái lại hình dung từ diễn tả tôn giáo tính thứ hai). Họ là những người đã lĩnh nhận cùng với quyền bính, trong ngày lên chức, một đặc thái linh thiêng. Không chỉ coi mình như các ”thần thánh”, họ còn muốn được công nhận như sinh ra từ các thần thánh, diis geniti. Họ không được người ta đồng hóa, như trước kia dân chúng đã làm thực sự và đơn giản, với thần Jupiter hay thần Hercule, nhưng họ mang những tên đệm chuyển hóa như Jovius, Herculius, và chuyển hóa này biểu hiện các tình trạng hoàng đế phải lệ thuộc vào đấng quan thầy, vào vị bảo hộ của ngài trên thượng giới.